VĂN HÓA-XÃ HỘI
Phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em dịp nghỉ hè 2023
07/06/2023 08:02:29

Như chúng ta đã biết tai nạn thương tích là một tai nạn bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng và khó lường trước được, gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là đối tượng trẻ em. Vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Mặc dù nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa giảm. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mắc và tử vong do tai nạn thương tích chúng ta cùng tìm hiểu về tai nạn thương tích và các biện pháp phòng tránh.

Tai nạn là sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn, do tác nhân bên ngoài, gây nên thương tích cho cơ thể. Thương tích là tổn thương thực thể của cơ thể do phải chịu tác động đột ngột ngoài khả năng chịu đựng của cơ thể hoặc rối loạn chức năng do thiếu yếu tố cần thiết cho sự sống như không khí, nước, nhiệt độ phù hợp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù ở môi trường nào cũng vậy, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang, đuối nước…

Các loại tai nạn thương tích thường gặp đối với trẻ em:

+ Tai nạn đuối nước: do trẻ bị ngã vào xô- chậu có nước, bị ngã khi đến gần ao hồ, khi đi tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, những khu vực nguy hiểm... là nguyên nhân dẫn tới trẻ bị đuối nước.

+ Các tai nạn do ngộ độc: chủ yếu do ngộ độc thực phẩm, ăn phải quả độc, thức ăn có dược phẩm độc hại, do uống nhầm thuốc…

+ Tai nạn thương tích gây ra do vật sắc nhọn: do trẻ đùa nghịch xô đẩy nhau, dùng que làm kiếm nghịch, đấu kiếm, chọc nhau. Trẻ vô tình chọc vào mắt gây chấn thương mắt rất nguy hiểm. Trẻ có thể cầm gạch, sỏi ném đùa nhau, va vào các bậc thềm gây rách da, chấn thương phần mềm, gẫy xương.

+ Tai nạn gây ngạt đường thở: do trẻ tự nhét đồ chơi vào mũi, tai mình hoặc nhét vào tai bạn, mũi bạn. Các vật trẻ có thể nhét vào mũi, tai là hạt cườm, con xúc xắc, các loại hạt, quả nhỏ, thậm chí có trường hợp trẻ còn nhét cả đất nặn vào tai. Trẻ còn ngậm đồ chơi vào mồm và có thể gây rách niêm mạc miệng, gãy răng hoặc hít vào gây dị vật đường thở, nuốt vào gây dị vật đường ăn…

+Tai nạn do bỏng: chủ yếu do trẻ sau khi chơi, khát nước – uống nhầm vào nước nóng, khi ăn, uống, trẻ cũng có thể bị bỏng do thức ăn (canh, cháo, súp ….) mang từ nhà bếp lên còn đang rất nóng, nếu không chú ý mà ăn, uống ngay sẽ gây bỏng cho trẻ. Có trường hợp trẻ bị bỏng do cháy, hoả hoạn …

Tai nạn giao thông: Do trẻ tham gia giao thông không có người lớn đi kèm hoặc trẻ chưa đến tuổi đi xe nhưng vẫn tham gia giao thông.

Để phòng tránh tai nạn thương tích đối với trẻ em nói chung và tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước nói riêng, mỗi gia đình cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ em tránh xa các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn thương tích như:

Không để trẻ em tự cắm các thiết bị điện vào nguồn điện; tránh các nguồn nhiệt có thể gây bỏng như lửa, ga, nước nóng;

Không ăn uống thức ăn quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc; không gây gổ xích mích với bạn bè;

Không đi tắm ở sông, suối, ao, hồ khi không có người lớn đi cùng; thực hiện đúng các quy tắc khi tham gia giao thông…

- Hướng dẫn những kỹ năng cần thiết cho trẻ em tự bảo vệ bản thân về tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước:

*Về phòng tránh tai nạn giao thông:

+ Khi qua đường chỉ qua những nơi có vạch dành cho người đi bộ, trường hợp không có vạch cho người đi bộ phải chú ý quan sát bảo đảm an toàn khi qua đường; trẻ em dưới 7 tuổi phải có người lớn đi kèm;

+ Luôn đi đúng phần đường dành cho người đi bộ, luôn đi bên phải;

+ Không chơi đùa dưới lòng đường hoặc gần đường giao thông;

+ Khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm;

+ Khi đi xe buýt không nhảy, đeo bám xe, không chen lấn xô đẩy, không thò đầu, tay ra ngoài, khi xuống xe phải đi trên vỉa hè;

+ Khi đi đò, phà phải mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi.

* Về phòng tránh tai nạn đuối nước:

+ Giếng, bể nước phải có nắp đậy an toàn.

+ Không nên cho trẻ chơi gần ao hồ, sông, rạch;

+ Đối với trẻ em không biết bơi thì không nên tắm ở sông, rạch, ao, hồ;

+ Đối với trẻ em đã biết bơi, khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn. Không nên tắm những nơi nước chảy xiết, nước xoáy;

+ Khi tắm nơi công cộng phải có người lớn đi cùng và mặc áo phao;

+ Trẻ từ 6 tuổi trở lên cần được cho tập bơi.

Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn khi trông trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, người lớn cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên. Vì tương lai tốt đẹp của con em chúng ta, mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH XUÂN - HUYỆN THANH HÀ

Trưởng Ban Biên tập:. Ông Bùi Văn Tô - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân

Địa chỉ: UBND xã Thanh Xuân

Điện thoại: 0985796917

Email: ubndxathanhxuan.th@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 20
Tháng này: 2,424
Tất cả: 33,569