VĂN HÓA-XÃ HỘI
Lễ hội truyền thống Chạp thần mồng ba tháng Chạp năm Quý Mão cụm di tích lịch sử Đình - Chùa Xuân Áng
15/01/2024 08:57:14

         

          Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã Thanh xuân về việc tổ chức lễ hội truyền thống Chạp thần mồng 3 tháng Chạp năm Quý Mão.

          UBND xã- Ban quản lý cụm di tích Đình chùa Xuân Áng long trọng tổ chức lễ hội truyền thống . Thời gian diễn ra trong 3 ngày, từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng Chạp.

          Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống văn hóa tinh thần của toàn thể cán bộ và nhân dân  xã Thanh Xuân nói chung , làng Xuân Áng nói riêng. Đồng thời cũng khơi dậy niềm tự hào, niềm tin, khích lệ và phát huy bản sắc văn hóa làng xã, văn hóa tâm linh trong nền văn hóa hội nhập hiện nay của toàn thể nhân dân thôn nhà.

          UBND xã- BQL cụm di tích lịch sử Đình - Chùa Xuân Áng xin được khái quát lịch sử hình thành và phát triển của làng Xuân Áng , đình – chùa Xuân Áng như sau:       

          1.      Làng Xuân Áng

          Hình thành cách đây gần 500 năm, vào khoảng giữa thế kỷ 16 (thời kỳ đầu của đời Lê Trung Hưng), gồm có 12 gia đình, dòng họ từ vùng Quát Hạ Bì (Gia Lộc ) đã cùng nhau đan thuyền, sắm chài lưới xuôi dòng sông Thái Bình để đánh bắt tôm cá. Đến vùng đất dài rộng nằm giữa 3 con sông là sông Rạng, sông Văn Úc và sông Hương thuộc hệ thống sông Thái Bình bồi lắng trước đây hàng vạn năm. Thấy nơi đây đất đai phì nhiêu, sông ngòi nhiều, rất thuận lợi cho việc đánh bắt tôm cá và cấy trồng lúa nước, họ quyết định chọn nơi này để sinh sống, lập nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài.

          Từ ấp trại nhỏ đến hình thành làng Ảng cổ, dân số phát triển, số hộ gia đình ngày càng tăng lên và được triều đình nhà Lê Trung Hưng cho  lập thành xã xuân Áng vào cuối thế kỷ 16. Đất lành chim đậu, vào thế kỷ 19-20, cư dân ở một số nơi khác đã tìm đến định cư lập nghiệp. Hiện làng Xuân Áng có cộng đông 17 dòng họ nối tiếp nhau cùng phát triển, đoàn kết, đồng thuận, chung tay xây dựng quê hương, từ xóm làng nghèo nàn ngày càng phồn thịnh, trở thành làng văn hóa Xuân Áng, xã Thanh Xuân nông thôn mới như hiện nay.

          2. Đình làng Xuân Áng

          Đình thành Xuân Áng thờ Thái Tử triều Hậu Lê và nhị vị công chúa, thành hoàng làng Xuân Áng, đình được xây dựng vào năm 1708 “Triều vua Vĩnh Thịnh, tứ niên Mậu Tý”, tính đến năm 2018 tròn 310 năm. Theo Thần tích- thần sắc của  đình làng Xuân Áng hiện được lưu giữ tại Viện thông tin khoa học xã hội Việt Nam. Thành hoàng làng Xuân Áng – Ngài là nhân thần được sinh ra trong gia đình dòng dõi thi thư khoa bảng, có trí thông minh hơn người, học giỏi, văn võ kiêm toàn. Năm hai mươi tuổi Ngài đã được vua phong chức quan Thị Lang, một năm sau vua tiếp tục phong cho Ngài chức Lễ bộ thượng thư. Là người có đức có tài, được nhà vua yêu quý phong cho làm Hiền Hầu thái tử.

          Vào năm 1610, giặc Chiêm Thành xâm lược nước ta lần thứ 2, vua sai ngài đem quân đi đánh giặc cứu nước cứu dân. Trên đường đi đến địa phận làng Xuân Áng thì trời gần tối, ngài cho quân sỹ dừng lại nghỉ ngơi. Nhân dân trong làng thấy ngài là ông quan công thần bèn bảo nhau sắm sửa lễ vật ra xin làm thần tử và xin sau này được thờ ngài làm thành hoàng làng. Ngài thấy người dân nơi đây có lòng tốt, nói rằng ngài còn 2 cô em gái nữa. Nhân dân thấy ngài nói vậy liền xin được thờ cả hai bà.

          Cảm động trước lòng dân, ngài cho dân biết ngài sinh vào ngày 15 tháng Giêng, tên thật là Nhật Dịch, tước hiệu ngài là Hiền Hầu Thái tử, hai cô em gái sinh cùng ngày với ngài tên là Đào và Quế, được nhà vua cho làm công chúa. Ngài chỉ cho dân chỗ ngài đóng quân nay sau sẽ làm đền thờ. Ngài hứa với dân làng khi về triều sẽ tâu với nhà vua ban phước, cấp đất cho dân làng.

          Ngài lâm bệnh đã hóa thân vào ngày mồng 3 tháng Chạp. Nhớ lời nguyền anh em sinh tử cùng nhau, nên hai người em gái cũng hóa thân theo người anh.

          Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và để tỏ lòng biết ơn công lao của Ngài, từ đó nhân dân trong làng lấy ngày 15 tháng Giêng hàng năm để kỷ niệm ngày sinh của ngài và ngày mồng 3 tháng Chạp là ngày Chạp thần. Ngày kị nhật của Ngài, đồng thời xây dựng đình – miếu vào năm 1708 (cách đây tròn 310 năm) để thờ ngài.

          Đình xây dựng trên đất Đồng Liên. Miếu được xây dựng trên đất Trảng Bàng.

          Năm 1953, giặc Pháp đánh phá, đình làng bị chúng bỏ bom đổ nát.

          Sau năm 1954, đình làng được xây dựng lại trên khu đất Trảng Bàng, là đình làng hiện nay.

          Các đời vua triều Nguyễn đã phong tặng cho Ngài 7 đạo sắc và cho phép làng Xuân Áng được tiếp tục thờ ngài. Hiện còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong tại đình làng.

-         Đạo sắc phong thứ nhất: Ngày 10.11.1848 vua Tự Đức năm thứ nhất

-         Đạo sắc phong thứ hai: ngày 24.11.1881 vua Tự Đức thứ năm thứ 33

-         Đạo sắc phong thứ ba: ngày 1.7.1887, vua Đồng Khánh năm thứ 2

-         Đạo sắc phong thứ tư: ngày 11.8.1909, vua Duy Tân năm thứ 3

-         Đạo sắc phong thứ năm: Ngày 25.7.1924, vua Khải Định năm thứ 9

Đình làng Xuân Áng hiện còn lưu giữ 4 tấm bia đá.

-         Bia số 1: Khắc vào tháng 2. Năm 1708, đời vua Lê Vĩnh Thịnh năm thứ 4.

-         Bia số 2: Khắc vào đời vua Gia Long năm thứ 6 - 1807.

-         Bia số 3: Khắc đời vua Minh Mạng năm thứ 14 - 1833.

-         Bia số 4: Khắc vào năm 1933.

Các bia đá khắc ghi công đức của các cá nhân, dòng họ, hộ gia đình trong làng qua từng kỳ xây dựng, tôn tạo đình, miếu thờ thành hoàng.

          2. Chùa Xuân Áng

Tên chùa là Sùng Phúc, được xây dựng sau đình và miếu, đến nay khoảng 300 năm. Theo chữ khắc trên cây nóc ngôi chùa cũ, chùa được xây dựng lại vào năm 1932. Qua thời gian dài theo thăng trầm lịch sử, cùng với sự tàn phá của thiên nhiên, của chiến tranh, chùa Xuân Áng xuống cấp. Để đáp ứng nguyện vọng về văn hóa tâm linh của nhân dân tronng làng, dưới sự trụ trì của sư cụ Thích Đàm Thảo, nhà thờ tổ được xây dựng lại vào năm 1998. Ngôi Tam bảo được xây dựng lại vào năm 2010 và đến năm 2014 nhà tổ đường mới được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo không gian cảnh quan khuôn viên chùa đẹp và uy nghi như hiện nay.

Chùa Xuân Áng còn lưu giữ một chuông cổ được đúc từ năm 1841,  “Hiệu Trị Nguyên Liên”, đến nay là 177 năm. Toàn bộ tượng phật còn nguyên cổ.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH XUÂN - HUYỆN THANH HÀ

Trưởng Ban Biên tập:. Ông Bùi Văn Tô - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân

Địa chỉ: UBND xã Thanh Xuân

Điện thoại: 0985796917

Email: ubndxathanhxuan.th@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0